Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

@ Nữ họa sĩ vẽ tranh trên gạch men nặng lửa

Nữ họa sĩ vẽ tranh trên gạch men nặng lửa

Theo: GIÁNG VÂN (Nhân Dân)

Không có nhiều họa sĩ vẽ tranh trên gốm, và Lan Hương là một trong số ít họa sĩ “lao” vào lĩnh vực khó này. Đặc biệt, đam mê của chị là vẽ trên gạch men nặng lửa, một loại tranh mà ngay cả người nghệ sĩ cũng khó biết trước được kết quả trước khi tác phẩm ra lò.
Từ một niềm đam mê
Cách đây khoảng bảy năm, tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, từng diễn ra một triển lãm rất đặc biệt, với hơn 40 bức tranh được vẽ trên gạch men, chủ yếu là phong cảnh và tĩnh vật. Không có một bài báo giới thiệu nào, cũng không có tiệc ngọt, thậm chí chẳng có giấy mời, ngoại trừ, khai mạc triển lãm, có họa sĩ Trần Khánh Chương đã đứng ra giới thiệu rất giản dị về quá trình tìm tòi của tác giả với dòng tranh này. Ông cũng chính là người được tác giả đưa xem tác phẩm, xin nhận xét, và là người đề nghị nhà triển lãm giảm một nửa chi phí thuê chỗ. Đó là triển lãm của nữ họa sĩ Lan Hương, và cũng là triển lãm đầu tiên của chị.
Điều đặc biệt là kết thúc triển lãm, nữ họa sĩ đã bán được 20 trong số hơn 40 bức mang đến triển lãm. Thậm chí, ba bức cuối cùng bị vỡ mất một mảnh nhỏ ở góc cũng có người năn nỉ để mua. Sau triển lãm, nhiều người tiếp tục tìm đến tận nhà để mua cho đến hết số tranh. Lúc đó, thị trường tranh Việt lại đang lâm vào khủng hoảng, các gallery hầu như rất khó bán tranh, kể cả các họa sĩ đã thành danh.
Con đường đã được lựa chọn
Con đường đi đến với những bức tranh vẽ trên gạch men của Lan Hương không hề đơn giản. Chị thích vẽ vời từ khi còn đi học, nhưng bố mẹ chị rất sợ con đường chông gai của nghệ thuật, cho nên kiên quyết bắt chị trở thành cô giáo.
Lúc đó chiến tranh, gia đình sơ tán ở Thái Nguyên, tình cờ một lần họa sĩ Đặng Thu Hương, giáo viên trường Nghệ thuật Việt Bắc, về trường Lan Hương để thông báo tuyển sinh, chị đã bí mật giấu cha mẹ dự tuyển. Và chị đã trúng tuyển ngay. Giấy báo trúng tuyển gửi về nhà, cha mẹ chị nhận được đã giấu đi. Đến ngày tựu trường nhập học không thấy chị, cô giáo họa sĩ Đặng Thu Hương không yên tâm, vì cô vẫn nhớ rất rõ ấn tượng về cô bé Lan Hương có ánh mắt đầy đam mê, nên đã gửi một thông báo khác về trường. Nhận được giấy báo, chị vui mừng tột độ. Trước sự phản đối kịch liệt của cha mẹ, chị vẫn soạn sửa quần áo một mình lên trường nhập học. Từ đây là con đường độc đạo với biết bao khó khăn đối với chị.
Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Nghệ thuật Việt Bắc xong, chị được nhận về nhà máy sản xuất gạch xây dựng Hương Canh, với vai trò là họa sĩ thiết kế mẫu mã cho các loại gạch men, gạch trang trí trong xây dựng. Mỗi năm, hàng chục, hàng trăm những mẫu thiết kế ra đời theo những đơn hàng, khi thì phải làm theo nhưng yêu cầu đơn điệu, khi được thăng hoa với các ý tưởng sáng tạo riêng mình. Tuy nhiên , sau đó một thời gian, do một sự cố mà chị quyết định nghỉ việc.
Việc đầu tiên của Lan Hương sau khi bỏ việc là nộp đơn và ôn thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với hai bàn tay trắng. Chị thuê một chỗ ở rất nhỏ, và tồi tàn ở khu Vĩnh Tuy, vẽ những bức tranh nhỏ gửi các gallery ở Bờ Hồ bán lấy tiền sinh sống qua ngày. Điều mà chị lấy làm may mắn là, những bức tranh phong cảnh nho nhỏ của chị gửi đi đều bán được, tất nhiên, giá rất khiêm tốn. Rồi chị vẽ những bức lớn hơn, bằng các chất liệu khác nhau. Thay vì vẽ những thứ dễ bán, chị bắt đầu vẽ những gì chất chứa trong lòng.
Một lần, một cặp vợ chồng người nước ngoài ngỏ ý muốn đến thăm xưởng vẽ của chị. “Trời ơi, làm gì có xưởng vẽ…, làm sao có thể cho họ đến cái chỗ ở tồi tàn của mình được”. Nhưng trước sự tha thiết của họ, chị đã để họ đến nhà mình. Đôi vợ chồng tỏ rất thích thú với những bức tranh của chị, có cái còn chưa khô màu. Họ đã mua một lúc mười mấy bức. Thế là chị có một khoản tiền để trang trải mọi thứ. Nhưng điều quan trọng hơn, là chị bắt đầu cảm thấy tự tin, và rất hào hứng.
Nhưng câu chuyện cuộc đời luôn đầy những ẩn số mà ta không bao giờ đoán trước được.
Khi mà chị đang mơ đến rất nhiều những bức tranh và các dự định về nghệ thuật, thì chồng chị, (lúc này chị đã có một gia đình và hai đứa con) tuyên bố, chị không được vẽ nữa, phải ở nhà lo công việc gia đình. Không thể đấu tranh được, chị đã ốm một trận rất nặng, nhưng sau đó chị đã quyết định lựa chọn việc vẽ. Đó là một ngày, sau khi mọi sự suy nghĩ trở nên chín chắn, rõ ràng, sáng sớm khi vừa tỉnh dậy, chị soi gương và đột nhiên nhận ra mình rất đẹp, và vẫn còn tràn đầy sức sống. Chị lập tức lôi giá vẽ ra, tự vẽ chân dung mình. Một gương mặt thanh thản, khỏe khoắn,đằm thắm và thanh tân. Nét vẽ dứt khoát. Như sự dứt khoát đoạn tuyệt với đau khổ, dằn vặt. Chị ly dị, nhận nuôi cả hai đứa con, đồng thời đi tìm thuê nhà ở cho cả ba mẹ con.
Kiếm sống và vẽ
Lúc này, công việc chính để kiếm sống của chị vẫn là nhận các hợp đồng thiết kế mẫu mã cho các nhà máy sản xuất gạch men xây dựng và vẽ tranh gửi bán ở các gallery.
Khác với những họa sĩ thiết kế mẫu khác, Lan Hương không chỉ thiết kế đơn thuần, chị nghiên cứu rất kỹ lưỡng mọi công đoạn, từ nguyên liệu, đến men, cho đến cách nung, kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ trong lò, tới khi sản phẩm hoàn thành, kiến thức, kinh nghiệm của chị không thua kém gì những người thợ cả. Chính trong giai đoạn này, chị nghĩ tới vẽ tranh trên gạch men nặng lửa. Và chị đã bắt đầu với loạt tranh phong cảnh và tĩnh vật. Những bức vẽ về vùng đất Hương Canh, những ngôi làng, những lò gốm, những mái ngói, tường gạch đã ăn sâu vào tâm hồn chị, nơi trở thành một phần máu thịt và tình yêu của chị.
Gốm và Lò.
Điều bất ngờ, và khiến chị sung sướng đến lịm người, là khi những bức tranh đầu tiên hoàn thành, còn vượt cả mong đợi của chị. Màu sắc trên các bức tranh giữ nguyên được cảm xúc một cách tươi nguyên, Những gam nâu trầm rất sâu làm nền cho những gam nâu non của gạch, gam trắng ngà của những bức tường…của những bức vẽ phong cảnh Hương Canh, Gốm và Lò…. Những bức tĩnh vật và hoa cũng rất tuyệt. Chất men chảy cùng với sự huyền diệu của lửa đã cho chị những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Trên nền trầm, huyền hoặc, những bông cúc trắng tinh khôi, khỏe khoắn.
Trong nghề gốm, một người thợ có thể nắm chắc được về tạo hình, về men, về chất liệu, nhưng luôn luôn có một ẩn số đối với họ, chính là lửa. Cho dù, gạch men xây dựng là loại gạch được kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ, nhưng lửa vẫn cứ là một đại lượng khó kiểm soát nhất. Và chị, thỉnh thoảng lại gặp may có những bức tranh rất kỳ lạ. Điều kỳ diệu nữa là, nếu như với các chất liệu khác thì khâu bảo quản rất khó khăn, riêng tranh vẽ trên gạch men nặng lửa dù mưa, dù nắng, dù nhà cháy, nó vẫn chẳng hề suy suyển.
Nếu như các họa sĩ, khi vẽ được những bức tranh trong trạng thái thăng hoa rất khó lòng vẽ lại được một bức khác như thế, thì với vẽ tranh trên gốm càng khó gấp bội, nếu không nói rằng, không thể nào làm được.
Giờ đây, khi chị đã thử sức mình trên nhiều chất liệu, và cũng rất thành công. Chẳng hạn như với sơn dầu, chị cũng đã bị mê hoặc, đã cuốn theo, và có nhiều bức tuyệt đẹp. Đó là những câu chuyện khác của chị. Nhưng vẽ trên gạch men với chị, là một lối đi riêng, dường như, cho đến giờ, vẫn chỉ là của riêng chị, chưa một ai chạm vào, và vẫn là lối đi đầy mê dụ, mà chị biết rằng, phía trước vẫn còn rất nhiều quyến rũ.
Theo: GIÁNG VÂN (Nhân Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

@ Xem Tin Lưu trữ Blog Phía Dưới